Nam Yết (tiếng Anh: Namyit Island; tiếng Filipino: Binago; Trung văn giản thể: 鸿庥岛; phồn thể: 鴻庥島; bính âm: Hóngxiū dǎo, Hán-Việt:Hồng Hưu đảo) là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình khoảng 11 hải lí (20,4 km) về phía nam[1] và cách đảo Sinh Tồn 33 km về phía bắc-đông bắc.[2] Đi tàu thủy từ đất liền Việt Nam đến đảo mất hơn hai ngày và hai đêm.[3]
Đảo Nam Yết là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đảo này như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa[4] (xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa được thành lập năm 2007 trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận).[5] Quanh đảo có bờ kè bằng bê tông được xây dựng trong tám năm (1998-2006).[3]
Địa lí[sửa]
Đảo có dạng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo trục đông-tây với chiều dài khoảng 600 m, chiều rộng khoảng 125 m và diện tích đạt 6 ha.[1] Theo bản đồ tỉ lệ xích 1:50000 do Tổng cục Địa chính (Việt Nam) ấn bản năm 1998 thì đảo này dài 650 m, rộng 200 m và có diện tích khoảng 9,7 ha.[2] Đảo cao 2-3,5 m.[2] Đảo Nam Yết là một phần của một rạn san hô vòng lớn nên mặt ngoài (phía nam) rất dốc và sâu trong khi mặt trong (phía bắc, hướng vào vụng biển) thì thoải đều và nông.[6]
Đất trên đảo này chủ yếu là sạn, sỏi và cát thô từ đá mẹ là san hô, vỏ sò ốc và chỉ mới hình thành khoảng nửa sau Holocen.[7] Kết quả khảo sát năm 1973 cho thấy đất cát ven bờ đảo có lượng cation Ca2+ và Na+ trao đổi cao; đất cát pha thịt giữ nước kém. Vào giữa đảo thì cation canxi và natri trao đổi giảm mạnh; đất giàu lân hơn, tương đối ít cát và giàu thịt nên giữ nước tốt hơn.[8]
Khí hậu đảo Nam Yết mang đặc trưng của khí hậu nam biển Đông, nhiệt độ trong năm cao và biến thiên theo mùa không lớn, trung bình từ 26,5°C đến 27°C.[2] Ba tháng cuối năm là thời gian mưa nhiều nhất. Trung bình mỗi năm có 13 cơn bão và áp thấp đi qua đảo này.[2]
Môi trường[sửa]
Bờ đảo Nam Yết gồm các bãi cát vụn san hô nhẹ và xốp, không ổn định, thường thay đổi theo mùa gió tác động. Đảo được bao bọc bởi một thềm san hô ngập nước lan rộng từ 300 đến 1.000 m so với bờ đảo[1], và thậm chí thềm này mở rộng đến 2.000 m ở phía tây.[9] Độ phủ san hô ở các điểm rạn phía bắc là 58%, phía nam là 36%, trung bình cả vùng quanh đảo là 47,1 %.[6] Bãi cỏ biển diện tích 10 ha nơi đây gồm hai loài là cỏ bò biển (Thalassia hemprichii) và cỏ xoan (Halophila ovalis).[10]
Đảo này không có nước ngọt.[1] Lớp cát mặt và lớp đá vôi san hô không có khả năng giữ nước nên sau mỗi trận mưa thì nước sẽ ngấm dần ra biển.[11] Thảm thực vật trên đảo nghèo nàn nhưng hệ cây thân gỗ trên đảo phát triển khá tốt nhờ đất cát có trộn lẫn phân chim giúp rễ cây có điều kiện phát triển.[6] Các loại cây nước lợ như bàng vuông, bão táp, keo, mù u, phong ba, dừa và các loại cỏ dại, dây leo có thể mọc được.[1]
Kết quả thống kê của Đỗ Công Thung & ctg (2009) cho thấy đảo này có tổng cộng 58 loài thực vật trên cạn, 185 loài thực vật phù du, 141 loàiđộng vật phù du, 225 loài sinh vật đáy, 298 loài san hô, 186 loài cá rạn san hô và 8 loài rùa biển và thú biển.[12]
Khu bảo tồn biển Nam Yết[sửa]
Ngày 26 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kí Quyết định số 742/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Căn cứ theo phụ lục I "Danh sách các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2015" đính kèm quyết định này thì Khu bảo tồn biển Nam Yết sẽ được thành lập với tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha.[13] Tháng 6 năm 2012, tổ chức Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings xếp Khu bảo tồn biển Nam Yết là khu bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam.[9] Tháng 9 năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tuyên bố rằng vào năm 2013 thì họ mới bắt đầu lập quy hoạch chi tiết cho khu bảo tồn biển Nam Yết.[14]
theo wikipedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét