TP - Tuần lễ sau mệnh lệnh “đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lực lượng Quân khu V (QKV) hải quân, đặc công, thần tốc từ đất liền đạp sóng, vươn khơi, giải phóng các đảo Trường Sa, trước giờ thống nhất đất nước.
Thần tốc giành chủ quyền
17 giờ 30 phút ngày 4/4/1975, bức “mật lệnh” số 990B/TK của Tướng Giáp tốc chuyển Chính ủy QKV Võ Chí Công và Tư Lệnh QKV Chu Huy Mân với nội dung “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”. Tướng Giáp nhấn mạnh “đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Lúc này, dù mới dồn quân giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975), chính ủy, tư lệnh QKV chỉ đạo Sư 2 do đại tá Nguyễn Chơn, Sư đoàn trưởng Sư 2, điều ngay bộ phận pháo Trung đoàn 368, tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 38), đơn vị đặc công phối thuộc lực lượng hải quân tham gia chiến dịch.
Trung tá Nguyễn Thanh Thí (Trung đoàn trưởng 38), Thiếu tá Trần Dược, phó chính ủy Trung đoàn 38 trực tiếp tham gia, có mặt tại cảng Đà Nẵng. Lúc này, biên đội tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 mở hết tốc lực từ cửa biển Hải Phòng vào Đà Nẵng, triển khai kế hoạch. Đêm 10/4/1975, toàn lực lượng phiên hiệu Đoàn C75 giải phóng Trường Sa do Lữ đoàn trưởng đặc công nước Mai Năng làm chỉ huy trưởng.
Tờ mờ sáng 11/4, ba chiếc tàu giả dạng tàu cá, gắn biển số, cờ hiệu nước ngoài âm thầm nhổ neo trực chỉ Trường Sa. Vừa rời khỏi cảng, cả đoàn bất ngờ gặp lốc lớn. Gió xoáy mạnh. Sóng lớn lừng lững nối đuôi nhau ập vào mũi tàu, nước phủ qua đài chỉ huy khiến mọi người ướt sũng. “Phần lớn các cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn đều say sóng, không ăn uống được gì. Bên ngoài gió giật mạnh từng hồi.
Lúc này, tôi ngồi cùng tàu với chỉ huy trưởng Mai Năng, ánh mắt ông vẫn đăm đắm, quyết định cho tàu đạp sóng, vươn khơi”, ở tuổi 83 ký ức đại tá Trần Dược sáng rõ. Chỉ với trang bị thô sơ, một la bàn từ, đồng hồ thiên văn, bộ định hướng theo sao trời hoàn toàn không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa, biên đội tàu uy dũng, đap sóng bằng kinh nghiệm hiếm có của các thuyền trưởng một thời ngang dọc trên những con tàu không số, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tướng Giáp trong lần thăm đơn vị QKV (Ảnh tư liệu). |
Hơn 2 ngày đêm vượt biển, 19 giờ ngày 13/4, trước mũi tàu xuất hiện vệt đen đảo Song Tử Tây. Đoàn C75 quyết định đổ bộ đảo ngay trong đêm. Hành trình dài say sóng, mệt lả, tuy nhiên, vừa nhận được lệnh tất cả vùng dậy.
Ông Dược kể: Từng chiếc xuồng, phao cao su thả xuống nước. Sóng lớn, nước xoáy, lởm chởm mỏm san hô, các lực lượng đổ bộ của tiểu đoàn 4 kiên trì bám mép đảo, chia làm ba mũi áp sát mục tiêu. “Lúc này lính gác trên nóc lô cốt bất ngờ rọi đèn pin đúng vào đội hình. Biết bị lộ, chỉ huy mũi tiến công hạ lệnh nổ súng và cho đơn vị nhanh chóng tiếp cận”, đại tá Dược kể.
4 giờ 30 phút, sau loạt súng DKZ đầu tiên hiệu lệnh, quân ta nhanh chóng tiến sâu vào đảo. Phía bên kia bắn trả quyết liệt, tìm cách rút về phía đông-nam đảo để tổ chức tiếp các đòn phản công. Cách đánh đăc công, thế chủ động lực lượng pháo binh, bộ binh, các lực lượng giải phóng tiếp tục tiến sâu vào đảo, chiếm giữ các mục tiêu. 5 giờ sáng, thời khắc lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh cột cờ Song Tử Tây.
Trên các bia chủ quyền, nóc hầm đối phương, cờ giải phóng tung bay phần phật. 5 giờ 15 ngày 14/4, tiếng súng tấn công ngừng nổ. Quân ta bắt sống đảo trưởng cùng 32 sĩ quan, binh lính, thu toàn bộ quân trang quân dụng, giải phóng hoàn toàn quần đảo Song Tử Tây - ông Dược nhớ lại.
Mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của quân VNCH trên quần đảo Trường Sa rệu rã. Đối phương vội cho các tàu HQ16, HQ402 từ Vũng Tàu ra để phản kích, còn quân trên đảo co cụm, tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết, trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa.
Ta tiếp tục hướng mũi tấn công, giải phóng các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang còn lại. Rạng sáng 25/4, các mũi tàu ta bám sát đảo Sơn Ca, đổ bộ lên đảo. Đối phương mất thế, chống trả yếu ớt, chưa đầy tiếng đồng hồ, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ Sơn Ca, kéo cờ chủ quyền.
Tin đảo Sơn Ca bị đánh chiếm nhanh chóng khiến đối phương các đảo còn lại vội vàng xuống các tàu bảo vệ rút chạy khỏi đảo. Đại tá Dược kể: Đến các đảo An Bang, Nam Yết, Trường Sa không hề phải nổ một phát súng. Đêm 29/4/1975, trước giải phóng Sài Gòn một ngày, tất cả 5 đảo do quân ngụy chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn.
Tầm nhìn lịch sử của vị tướng lịch sử
“Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo giữa biển trời Trường Sa ai cũng dậy lên xúc động, tự hào. Đất liền giải phóng, biển trời thống nhất. Nghĩ về chiến dịch thần tốc giải phóng Trường Sa càng khâm phục tài thao lược, tầm nhìn lịch sử của vị tướng huyền thoại”, Đại tá Dược bộc bạch.
Từng nắm chức vụ Chính ủy Trung đoàn 38, sau chuyển sang tòa án quân sự trước lúc nghỉ hưu, đại tá Dược nguyên vẹn cảm xúc về những hành trình giải phóng Trường Sa.
Tàu của Đoàn 125 chở lực lượng thần tốc giải phóng Trường Sa theo “mật lệnh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu). |
Đại tá Nguyễn Đình Ngật (83 tuổi, đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng), nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Bộ tư lệnh QKV nhận định: Nhãn quan quân sự nhạy cảm, tầm nhìn chiến lược của vị tướng thiên tài mới có thể đưa ra những quyết định thần tốc giải phóng Trường Sa ở thời điểm quyết định.
Lúc này tin tức Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ càng làm nhiều nước mưu toan chiếm đóng quần đảo Trường Sa. “Mật lệnh Tướng Giáp không chỉ giúp việc giải phóng Trường Sa thần tốc mà còn ngăn chặn mưu đồ chiếm đóng Trường Sa trái phép của nước ngoài kịp thời”, Đại tá Ngật nói.
Thời điểm này, ông Ngật là thiếu tá, Phó phòng Tổ chức cục chính trị (QKV) dưới quyền của Tư lệnh Chu Huy Mân tường tận diễn biến chiến dịch. Đại tá Ngật kể: Ngoài giao nhiệm vụ từng lực lượng Sư 2, chính ủy, tư lệnh chỉ đạo trực tiếp cán bộ chiến sĩ ra Trường Sa ý thức nhiệm vụ thiêng liêng, phương pháp quy hàng địch. “Tôi nhớ Thiếu tướng Đoàn Khuê, Phó chính ủy QK5 căn dặn cần quy hàng đối phương ngoài Trường Sa, kêu gọi giao nộp vũ khí, nếu chống cự mới nổ súng, cương quyết giành lại chủ quyền”.
Cẩn thận lấy từng bức hình lưu niệm Tướng Giáp, mấy ngày nay đại tá Ngật nghẹn ngào trước tin Tướng Giáp từ trần. “Tôi nhiều lần gặp gỡ trực tiếp với Đại tướng, lần nào cũng để lại ấn tượng khó phai mờ về sự mẫn cán, giản dị mà phi thường của vị tướng vĩ đại”.
Gần 15 năm trước, trong lần Tướng Giáp và phu nhân vào nghỉ tại Đà Nẵng, ông Ngật vinh dự phục vụ tại khách sạn Mỹ Khê (QKV). Buổi chiều tháng 7/1990, Đại tá Ngật vừa xuống phòng thấy Tướng Giáp mặc áo ba lỗ, quần cộc chăm chú nhìn nền nhà.
“Chú Ngật, ở đây nhiều mối lắm phải không?”, Đại tướng hỏi. “Dạ, nhiều lắm, nhưng dùng thuốc diệt nhiều lần vẫn không hết”. Tướng Giáp vỗ vai ông, và hứa sẽ nói cán bộ ở Bộ Thủy lợi vào diệt mối giùm. “Ban đầu tôi nghĩ, Đại tướng bận trăm công nghìn việc, đâu có thời gian nghĩ việc nhỏ này. Nhưng không ngờ hơn tuần lễ sau, có hai cán bộ tận Hà Nội vào diệt mối thật. Không chỉ chu toàn việc quốc gia đại sự, ngay cả những việc nhỏ Tướng Giáp cũng lưu tâm, chu toàn”, Đại tá Ngật nói.
theo tienphong
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét